Hai bước đầu tiên là thực hành Yama và Niyama, hay các nguyên tắc đạo đức hướng dẫn sự phát triển của con người. Sự cần thiết của đạo đức ở đây là ở chỗ nhờ kiểm soát hành vi, chúng ta có thể đạt tới trạng thái sống cao hơn và đạt tới sự hoàn thiện của tâm trí. Yama và Niyama là nền tảng vững chắc để tiến bộ trong việc luyện tập yoga, đồng thời tăng sức mạnh bên trong của chúng ta và cho chúng ta một tinh thần thanh tịnh.
Trong Yama và Niyama chúng ta có những thái độ tích cực đối với xung quanh cũng như với chính mình. Đây là một trong những bí quyết để có được chân hạnh phúc.
Nhánh thứ 2 trong 8 nhánh yoga của Patanjali là 5 quy tắc ứng xử Niyama. Niyama là cách luyện tập hướng tới nội tại bên trong, tinh thần và tâm trí. Sự tu luyện Niyama giúp chúng ta duy trì được môi trường tích cực để phát triển, tạo ra sức mạnh bên trong và kỷ luật để giúp ta tiến bộ trên con đường yoga.
Saucha (thanh lọc) là nguyên tắc đầu tiên trong 5 Niyamas của Patanjali. Những bậc thầy yoga khám phá ra rằng sự không trong sạch từ môi trường bên ngoài và từ bên trong chúng ta ảnh hưởng lên tâm trí ta, và điều này ngăn ta không đạt được những hiểu biết thật sự và sự giải phòng về tinh thần.
Tập luyện các tư thế yoga, hít thở và thiền sẽ làm thanh sạch cơ thể và tâm trí, cũng như làm tăng khả năng giữ được tâm và thân lành mạnh. Chúng ta cần phải có ý thức giữ sự trong sạch đối với môi trường xung quanh ta kể cả đồ ăn, thức uống, bạn bè, giải trí, nhà cửa… để không đưa thêm những gì không lành mạnh vào cơ thể và tâm trí ta nữa.
Santosha (sự bằng lòng) là không ham mê những cái chúng ta không có cũng như không thèm muốn những cái thuộc về người khác. Những bậc thầy yoga nói rằng khi chúng ta thực sự hài lòng với tất cả những gì cuộc sống cho ta, khi đó ta sẽ có được niềm vui và hạnh phúc thật sự.
Thật dễ dàng để tâm trí bị phỉnh lừa để chúng ta nghĩ rằng ta sẽ hạnh phúc khi sở hữu nhiều vật chất hơn, nhưng cả kinh nghiệm cá nhân và những lời dạy của các bậc hiền triết đều chứng tỏ rằng hạnh phúc đạt được nhờ vật chất chỉ là tạm thời.
Thực tập sự hài lòng giải phóng chúng ta khỏi những đau khổ không cần thiết khi cứ muốn có thêm vật chất để khác người khác thay vì cảm thấy biết ơn và vui vì những gì cuộc sống ban tặng.
Tapas (sự khổ luyện) là muốn nói đến sự luyện tập kiên trì của người tập yoga với kỷ luật bản thân và sự đạt được sức mạnh tinh thần.
Về cơ bản, Tapas là khi bạn cố gắng làm bất cứ điều gì có ích, tích cực cho cuộc sống của bạn nhưng có thể trước đó vì lười biếng mà bạn không muốn làm. Khi ý chí mâu thuẫn với cái tôi, với ham muốn của tâm trí thì một “ngọn lửa” từ bên trong mỗi người sẽ được thắp sáng lên và đốt cháy dần những gì không lành mạnh trong tinh thần và thể chất của chúng ta. Những bậc thầy yoga nói rằng luyện tập Tapas để ngọn lửa nội tại hay là nguồn năng lượng tinh thần này giúp ta giải phóng kundalini và đạt được sự tự tại.
Tapas thay đổi và làm thanh sạch chúng ta cũng như làm thức tỉnh và giúp ta mạnh mẽ vượt qua những thói quen không tốt, những thúc đẩy vô thức. Tapas xây dựng sức mạnh ý chí giúp ta nghiêm túc hơn trong việc thực tập yoga.
Svadhyaya (tự học, tự luyện) là khả năng thấy được bản chất thiêng liêng của ta thông qua việc suy ngẫm những bài học cuộc sống và thông qua thiền định dựa trên những sự thật được đưa ra bởi những người chứng kiến, những nhà hiền triết.
Cuộc sống cho ta vô số cơ hội để ta liên tục học hỏi; những khuyết điểm cho ta cơ hội để lớn hơn và những lỗi lầm cho ta cơ hội để được học thêm. Những hành động của ta là một chiếc gương phản chiếu rõ ràng lại những động lực có ý thức và không ý thức, những suy nghĩ, và những ham muốn. Người tập yoga thực hành Svadhyaya cũng nên tìm hiểu học về những kiến thức liên quan về tinh thần để hướng dẫn nội tại tìm được bản chất thực sự của ta là ở đâu. Tự học yêu cầu cả việc nhìn thấy ta là ai trong khoảnh khắc này và thấy được sự kết nối của ta với sự thiêng liêng về tinh thần.
Ishvara pranidhana (sự cống hiến) là sự tận tụy, cống hiến, không mong đợi gặt hái được những thành quả từ việc tu tập. Điều tu tập này kết hợp hai mặt của thực tập yoga: cống hiến cho một điều cao hơn cái tôi và hành động quên mình của karma yoga.
Patanjali dạy rằng để đạt đến đích của yoga chúng ta phải hòa tan bản chất cho mình là trung tâm và từ bỏ những khẳng định về bản thân. Từ hành động đơn giản này chúng ta nhắc nhở chính mình về sự kết nối với quyền năng cao hơn, việc tập luyện yoga trở nên thiêng liêng hơn và được đong đầy với sự khoan dung, sự bình yên từ bên trong và tình yêu thương.
Hai trong tám nhánh yoga của Patanjali, Yama và Niyama cho người thực tập yoga nền tảng vững chắc để đi đến những bậc cao hơn của yoga với sự tập trung, sức mạnh nội tại, và thành công. Thực tập Yamas và Niyamas là một hành trình và tiến trình. Bước từng bước một, Yama hoặc Niyama một lúc hoặc thực hiện với lòng thương cảm mà không lo đến sự hoàn hảo. Như Swami Sri Kripalvanandaji nói: “Khi bạn nhặt một cánh hoa từ vòng hoa Yamas và Niyamas, thì cả vòng hoa sẽ đi theo bạn”.
Soạn dịch: Thúy Lê
Tập hợp từ nhiều nguồn